Chính trị Bắc_Macedonia

Chính phủ

Nikola Gruevski, thủ tướng hiện nay của Cộng hòa Bắc Macedonia

Cộng hòa Bắc Macedonia là một quốc gia theo thể chế dân chủ nghị viện. Nhánh hành pháp nằm dưới sự điều hành của chính phủ, nhánh lập pháp thì cùng được điều hành bởi cả chính phủ và quốc hội. Nhánh tư pháp độc lập với hai nhánh hành pháp và lập pháp.

Chính phủ Cộng hòa Bắc Macedonia được thành lập bởi sự liên kết của nhiều đảng phái hợp thành. Quốc hội nước này được tổ chức theo mô hình lưỡng viện: thượng viện và hạ viện. Số thành viên trong Quốc hội nước cộng hòa là 120 thành viên và được bầu lại 4 năm một lần.

Tại Cộng hòa Bắc Macedonia, tổng thống chỉ có vai trò nghi thức còn phần lớn quyền lực thực sự thì nằm trong tay người đứng đầu chính phủ là thủ tướng. Tổng thống còn là tổng tư lệnh quân đội và là người đứng đầu các lực lượng vũ trang quốc gia. Ông cũng là người đứng đầu Hội đồng An ninh của đất nước. Chức vụ tổng thống tại Cộng hòa Bắc Macedonia có nhiệm kỳ 5 năm và mỗi tổng thống có thể nắm tối đa 2 nhiệm kỳ. Đương kim tổng thống hiện nay là ông Gjorge Ivanov. Còn đương kim thủ tướng hiện nay là ông Nikola Gruevski.

Nhánh tư pháp ở nước này được thực thi bởi các tòa án. Đứng đầu hệ thống tư pháp là Tòa án Tư pháp Tối cao, Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tư pháp nước Cộng hòa.

Một trong những vấn đề chính trị hàng đầu hiện nay tại Cộng hòa Bắc Macedonia là mâu thuẫn chính trị giữa các đảng của người Macedonia chiếm đa số và cộng đồng người Albania thiểu số. Những xung đột này đã dẫn đến một cuộc chiến tranh xảy ra trong thời gian ngắn vào năm 2001 và được dàn xếp bởi cộng đồng quốc tế sau đó. Tháng 8 năm 2004, chính phủ Cộng hòa Macedonia đồng ý trao cho người Albania thiểu số quyền tự trị rộng rãi tại những vùng miền mà họ kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ về vấn đề ly khai như Kosovo vẫn có khả năng xảy ra tại quốc gia này[16].

Quan hệ ngoại giao

Hình ảnh mặt trời Vergina trên lá cờ gây tranh cãi của Macedonia (1992-1995)

Về nhiều mặt, Cộng hòa Bắc Macedonia vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Hy Lạp. Khoảng 57% đầu tư nước ngoài ở Cộng hòa Bắc Macedonia đến từ quốc gia láng giềng phía nam này. Mối quan hệ giữa Cộng hòa Bắc Macedonia với Hy Lạp có thể nói đã được cải thiện khá nhiều trong vài năm qua nhưng bên cạnh đó, vấn đề tên gọi quốc gia vẫn là một trở ngại lớn trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước [17]. Trong khi người Macedonia cho rằng cái tên Macedonia là tên gọi để chỉ dân tộc và ngôn ngữ của họ thì người Hy Lạp cho rằng cái tên đó lại bao hàm cả những phần lãnh thổ của Hy Lạp với cùng tên đó nữa. Những tranh cãi và lịch sửvăn hóa giữa hai nước cũng hết sức căng thẳng. Năm 1992, sau khi tách ra khỏi Liên bang Nam Tư, nước Cộng hòa Macedonia thông qua việc sử dụng một lá cờ mới với hình ảnh mặt trời Vergina của Vương quốc Macedonia cổ đại. Athena đã lên tiếng phản đối quyết liệt hành động trên và vào năm 1995, Cộng hòa Macedonia đã đổi sang sử dụng lá cờ như hiện nay.

Do không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề tên gọi quốc gia với Hy Lạp, Cộng hòa Macedonia đã chấp nhận gia nhập các tổ chức quốc tế với tên gọi Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia (tiếng Macedonia: Поранешна Југословенска Република Македонија, Poraneshna Jugoslovenska Republiska Makedonija, tên tiếng Anh là "Former Yugoslavia Republic of Macedonia", có khi được viết tắt là "Macedonia FYRO" hay "FYROM"). Hiện nước này là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Hội đồng châu Âu, Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Thương mại Thế giới... Cộng hòa Bắc Macedonia hiện đang có nguyện vọng gia nhập Liên minh châu ÂuNATO nhưng việc khởi động các quá trình đàm phán gia nhập vẫn chưa được bắt đầu. Ngày 17 tháng 12 năm 2005, Cộng hòa Bắc Macedonia chính thức được công nhận là ứng cử viên tiếp theo cho việc gia nhập Liên minh châu Âu.